Cách Thông Tắc “Tia Chữ”

Nhiều bạn bị “tắc tia chữ” khiến não căng tức, thậm chí có thể “sốt cao” và “mê sảng”. Cảm thấy bực tức vì “vắt” mãi mà “chữ” không tuôn ra thành dòng. Bóp mãi mới “rỉn” ra được vài từ rồi lại “nhỏ giọt”, viết được câu lại xoá, được 2 chữ lại gạch. Rồi cả ngày không chảy được vài “ml chữ”. Bí bách vô cùng!
Làm sao cải thiện khả năng viết?
Ờ, ai chẳng muốn “chữ về” nhiều, tuôn theo “tia” chảy theo “dòng”, tràn trề như suối mát. Cơ mà phải có kỹ thuật “thông” thì mới chan hoà, bền bỉ được.
Bạn phải nhớ, đường đi chỉ thông thoáng và thành lối, thành hàng khi mình đi nhiều, đi quen. Chữ cũng thế. Bạn ủ mãi trong đầu ko lôi ra ngoài thường xuyên, không cho chữ tự tạo đường đi thì chữ sẽ cứ “úng ính” trong đó. Rồi “ung” ra và “mưng mủ” khiến não bạn sưng vù lên, căng tức. Khéo “viêm” rồi “hoại tử” cũng nên…
Chưa cần chữ phải hay, phải chặt chẽ hoặc sắp xếp có trật tự gì sất. Giờ trước mắt là lôi chữ ra ngoài “ánh sáng”. Bằng cách, viết tất cả mọi thứ hiện ra trong đầu vào giấy, vào lap. Thậm chí cả chửi bậy hay chẳng liên quan gì tới nhau cả. Cứ lôi hết ra đã. Cách hay nhất là Viết Nhật Ký hàng ngày. Cứ viết hết suy nghĩ trong đầu ra cái đã.
Giai đoạn này gọi là giai đoạn LÔI CHỮ.
Minh chứng sống cho vụ này chính là con gái mình. Đầu óc Chíp phong phú và nhiều ý tưởng hay, sinh động nhưng Chíp rất sợ làm văn. Tuy nhiên, đọc bài con là thấy có nhiều ý lạ, nói chuyện con nói tốt mà viết thì cứ tậm tịt. Mình và cô Mai Trang cho con viết nhật ký. Trải qua 1 tháng con viết lộn xộn nhưng lôi được các suy nghĩ ra mặt giấy.
Ví dụ, “hôm nay tớ buồn lắm Chíp B ạ, tớ chán, tớ không muốn làm bài tập, mẹ bảo sẽ đi Đài Loan mấy ngày, các cô sẽ tới chơi. Tớ chắc sẽ vui….”
Sau khi Chữ đã có lối ra, chạy tung tăng tung tẩy trên con đường mới rộng thênh thang chữ sẽ bắt đầu biết tự tìm chỗ cho mình.
Giai đoạn này gọi là giai đoạn XẾP CHỮ.
Lúc này, bạn làm một kỹ thuật nhỏ đó là cắt bỏ chỗ thừa, thêm vào chỗ thiếu và đổi trật tự từng đoạn, từng câu, từng từ sao cho nó chặt chẽ và có ý đồ hơn.
Đừng vội, cứ làm đi bạn sẽ thấy nhiệm màu. Nút thắt, nút mở sẽ cài cắm dần.
Nhưng qua giai đoạn Xếp chữ thủ công. Đến giai đoạn ba mới vui.
Não của chúng ta khôn lắm, làm thủ công vài lần quen rồi là sau đó tự lập trình cho chữ luôn. Lúc này bạn viết bắt đầu cừ khôi và có khi chẳng cần Biên tập hoặc sửa nhiều mà bài đã ĐÚNG và HAY rồi.
Đó là giai đoạn BUNG CHỮ. Chữ nào trào ra là chất luôn chữ đó.
Quay về minh chứng sống.
Chíp đến tháng thứ 2 đã khác rồi đây. Thay vì các câu cụt lủn, ý ko chặt dần dần bài dài hơn, hay hơn, có kết cấu, có bất ngờ, có ý tứ hơn.
Chẳng hạn. “Tối nay tớ vừa được đi xem Người Tuyết về vui quá Chíp B ạ. Vui vì có cả bác của cậu (đã biết thay từ Cô Mai Trang thành Bác của cậu), vui vì phim rất hay. Cậu có muốn tớ kể lại không? Để tớ tóm tắt nhé!
NGƯỜI TUYẾT
(Và bạn ấy tóm tắt rất chuẩn các tình tiết).
Tớ rất yêu cô bé trong phim. Cậu mà xem chắc cũng yêu lắm í.
Mai mẹ bảo mẹ đi xem Bắc Kim Thang – phim của bác Quân. Nghe nói phim rất sợ không cho bé dưới 18. Tò mò nhỉ?
Thôi muộn rồi.
Tớ buồn ngủ quá! Chúc cậu ngủ ngon!”
Giờ con bảo con thích nhất môn TLV vì con viết nhoay nhoáy, tý đã được bài dài. Cô khen.
Gớm nhỉ? Hihi
——
Tóm lại để viết nuột được bạn cần trải qua đủ 3 giai đoạn: LÔI CHỮ – XẾP CHỮ – BUNG CHỮ.
Mỗi giai đoạn sẽ mất 1 khoảng thời gian nhất định tuỳ vào khả năng của từng người. Cụ thể từng giai đoạn sẽ có những thủ thuật riêng thì Nhung sẽ nói kỹ trong lớp Thực Hành Content. Còn phần thông tắc chủ yếu ở giai đoạn 1, Lôi chữ.
Nên đừng có lo lắng, sợ hãi hoặc ko hiểu vì sao cô giáo bắt pải ngồi viết mỗi ngày ít nhất 1000 từ ra. Có lý do cả đấy.
Hiểu bộ não của mình để chăm cho đúng và luyện tập có lộ trình nha các bạn!
Chúc các bạn “chữ” luôn tràn “bờ” nhoa.
Ối, chữ lại về rồi.
Nhung đi vắt đây.
Xx đang khóc.
error: