9 Câu Hỏi Khi Sáng Tạo Bất Cứ Nội Dung Nào

Người sáng tạo là người có trí tưởng tượng phong phú, có sự bay bổng trong suy nghĩ và có thể không bị giới hạn theo một quy chuẩn nhất đinh. Nhưng bay làm sao để đúng “đường bay”, đạt được đến điểm mà mình muốn? Hãy cùng khám phá bí quyết sáng tạo bất cứ nội dung với 9 câu hỏi đơn giản nhưng vô cùng hữu ích.

Chứ không phải bay trong vô định, và cuối cùng nội dung mình tạo ra với bao nhiêu nhiệt huyết và tâm tư nhưng lại không ai biết tâm tư ấy là gì? dành cho ai? là đối phương cũng không biết đón nhận ra sao. Sếp hỏi em viết gì vậy, anh đọc từ đầu bài đến cuối bài mà không biết em đang viết gì nữa, là sai title hay đang để nhầm title của bài khác? Bạn với gương mặt ba chấm nhưng trong tâm trí thì chết lặng vì không biết nói gì với Sếp?  Những câu chuyện, Nhung đã được nghe nhiều từ các content creators, Nhung biết các bạn cần một phương pháp để “say no” với những tình huống dở khóc dở cười này. Và phương pháp ấy chính là việc bạn có cho mình bộ câu hỏi giúp bạn dựng lên cho bản thân chiến lược sáng tạo nội dung mang tên “9 câu hỏi khi sáng tạo nội dung”

I. Hiểu về 9 câu hỏi khi sáng tạo bất cứ nội dung?

Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự “ra đời của một nội dung sáng tạo thật sự”, là cách chúng ta giải brief, và tìm ra câu trả lời, để khi ta viết xong và nhìn lại, ta có thể biết mình đã đi theo đúng hướng mà mình vạch ra ban đầu hay chưa? Đã hướng đến đúng mục đích, đúng đối tượng, thể hiện được thông điệp với đúng “chất” (tone & mood) của mình?

II. Tại sao 9 câu hỏi này là cần thiết?

Muốn đến đúng địa điểm, chúng ta cần bản đồ. Muốn nấu một món ăn ngon, chúng ta cần bản hướng dẫn. Bản chất của list “9 câu hỏi khi sáng tạo nội dung” cũng chính là guideline, định hướng cho một nội dung “chất” và giá trị.

III. Nội dung 9 câu hỏi khi sáng tạo bất cứ nội dung

1. Mục đích bài này là gì?

Mục đích khi viết bài có rất nhiều, có thể là kinh doanh (bán sản phẩm mới, thúc đẩy nhu cầu của khách hàng, bạn muốn khách hàng đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng..) hoặc truyền thông thương hiệu (educate thị trường, chia sẻ thông tin hữu ích hay hiểu biết về thương hiệu, xử lý hiểu lầm, tăng thiện cảm,…). Một content creator cần làm rõ mục tiêu ngay từ đầu để xác định đích đến của bài viết.

2. Đối tượng hướng tới của bài viết này là ai?

Insight của họ là gì? Họ đang gặp vấn đề gì? Lo lắng, sợ hãi, rào cản hoặc họ cần phải biết thông tin gì? Đây là một phần của persona – chân dung khách hàng,  giúp bạn hiểu, và dễ dàng đồng cảm với những câu chuyện của khách hàng hơn.

3. Ta nên sử dụng chất liệu gì để giải quyết insight?

Doanh nghiệp, thương hiệu có rất nhiều chất liệu, thông tin để nói về mình và muốn khách hàng nhớ nhưng không phải chất liệu nào cũng phù hợp hoặc dùng hết tất cả chất liệu trong một bài viết. Hãy chọn lọc kỹ lưỡng, tránh lan man và thừa thiếu không phù hợp.

Chẳng hạn, nội dung của bài viết để giải quyết cho phụ huynh về phương pháp giảng dạy của một trường quốc tế, trong khi trường có rất nhiều thông tin khác như cơ sở vật chất, giáo viên bản ngữ, môi trường xanh, học phí phù hợp, phương pháp chuẩn Cambridge,…thì không thể đưa tất cả thông tin này vào bài mà chỉ nên tập trung vào những thông tin liên quan đến phương pháp chuẩn quốc tế cụ thể như thế nào mà thôi.

4. Thông điệp mà bài muốn họ nhớ là gì?

Hãy viết thông điệp một cách rõ ràng, từ đó bạn sẽ biết cách găm vào đầu người đọc. Còn ngay cả bạn cũng không biết mình đang truyền tải điều gì thì đừng bắt khách hàng tự suy diễn.

5. Hướng tiếp cận nào tốt nhất, góc nhìn nào mới chưa ai khai thác?

Góc nhìn của đứa trẻ, đồ vật nhân cách hóa, của ông bố, bà mẹ,… Đây là một trong những phương pháp sáng tạo dễ dàng có được những nội dung sáng tạo, độc đáo.

6. Keyword nào cần phải có? (Tên brand, slogan, USP, category – ngành hàng…)

Những ai làm SEO sẽ thấy việc “cài cắm” từ khóa vô cùng lợi hại cho việc trải nghiệm khách hàng lẫn tăng thứ hạng website và các nền tảng bạn sở hữu.

7. Bài học, thông tin gì gói gọn trong một câu mà buộc khách hàng phải “ám ảnh” sau khi đọc, xem, nghe xong?

Khách hàng có thể quên hết tất cả các tình tiết, từ ngữ hay ý tứ nhưng họ sẽ ám ảnh bởi một câu nói có ý nghĩa, có giá trị đó đã là một thành công của bài viết. Đấy chính là chất liệu truyền thông hữu hiệu để mang bài viết, thông điệp và thương hiệu đi xa nhất có thể.

8. Headline có thu hút và tóm gọn được đúng nội dung body text? (Tránh treo đầu lâu bán xương chậu)

Nhiệm vụ của headline phải tóm gọn nội dung bài viết nhưng lại phải đủ kích thích, thu hút hoặc gây tò mò cho độc giả. Nhưng đáng sợ nhất là áp lực “view” hay “click” mà nhiều tác giả “lá cải” đã gây ác cảm cho người đọc bằng cách “giật title” như giật mìn, nổ đùng đùng nhưng cả bài viết không trùng được ý tứ nào. Title một nơi, body một nơi text không khác nào treo đầu dê bán thịt chó, từ đó bạn sẽ hiểu tại sao khách hàng lại trở nên khó tính và cái nhìn không mấy thiện cảm về người đã làm nên “dạng” content ấy.

9. Tone & mood nào phù hợp (mạnh mẽ, trẻ trung, bựa chất, tinh tế, nhẹ nhàng,…) để chọn từ ngữ văn phong cho dễ

Mỗi doanh nghiệp, thương hiệu có hình mẫu với cá tính, với tính cách hoàn toàn khác nhau và ngay cả mỗi nhóm khách hàng cũng có “style” không giống nhau, rồi mỗi nền (social hay web, bài PR trên tạp chí hay báo online… ) đều có tone & mood riêng. 

Do đó, việc lựa chọn văn phong phải phù hợp tránh mất đi tính nhất quán hoặc “biến chất” của nội dung.

Ngoài ra, để bắt trend và hiểu tiếng “lóng” đang thịnh hành, các bạn có thể đọc comment trên các page cộng đồng nổi tiếng, các group dành cho nhóm khách hàng mà doanh nghiệp, thương hiệu hướng tới.  

KẾT LUẬN

Trên đây, Nhung đã chia sẻ khá chi tiết và đầy đủ bộ “9 câu hỏi khi sáng tạo nội dung”. Bạn hãy thử áp dụng vào quá trình viết bài của mình để cảm nhận, so sánh sự khác biệt trong quá trình “chế biến “ nội dung trước và sau khi áp dụng. Đây là một phần nhỏ kiến thức về sáng tạo nội dung Nhung đã thiết kế trong cuốn sách “Content chất – Phất đời Sen” và khóa học CM – Content Marketing, các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin sách và khóa học để biết thêm cách sáng tạo nội dung xuất thần nhé.

error: