Ngôn ngữ là công cụ để biểu đạt cái bên trong. Chúng ta cần thẩm thấu được cái bên trong thông qua cái bên ngoài là ngôn ngữ, tránh chỉ thấy ngôn ngữ bề nổi mà quên mất nội tại, tinh thần, tinh tuý bên trong.
Người tiếp nhận tốt là người thấu cảm được thông điệp bên trong hơn là những thứ biểu hiện ở bên ngoài – ngôn ngữ (lời nói, ngữ điệu, hành động) bởi vẫn luôn có những người chưa giỏi trong việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp thông điệp của họ.
Sáng tạo trong tiếp thị nội dung (content marketing) bao gồm sáng tạo thông qua ngôn ngữ viết, ngôn ngữ âm thanh và ngôn ngữ hình ảnh hoặc tất cả các ngôn ngữ đó (multi content). Những thông tin có thể tác động tới 5 giác quan (thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác, khứu giác) và trực giác của con người đều là nội dung, những tiếp xúc ấy tạo ra hành động có lợi cho doanh nghiệp gọi là tiếp thị nội dung.
Đạo trong sáng tạo nội dung – Content tử tế có thể thay đổi Thế giới
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc có lợi cho doanh nghiệp (về mặt hình ảnh, doanh thu, tầm ảnh hưởng…) thì tiếp thị bằng nội dung chưa thực sự tròn sứ mệnh. Sáng tạo nội dung tốt, viết thấu tâm can khách hàng khiến họ khao khát được trả tiền không phải mục tiêu tối hậu của người theo “Đạo Content”. Đó là kết quả của một trái tim đồng cảm và sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống, khách hàng và thương hiệu.
Hàng hoá tạo ra để phục vụ nhu cầu ngày càng cao hơn của con người, giúp đời sống con người tiện nghi, thoải mái hơn. Nhưng hạnh phúc thực sự lại không nằm ở việc có nhiều, tận hưởng nhiều rồi phụ thuộc mọi cảm giác, cảm xúc vào những món hàng ấy. Điều mà khách hàng cần phải duy trì được đó là sự an yên nội tại, sẵn sàng trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ trong trạng thái bình ổn về cảm xúc chứ không phải một cảm giác chinh phục, sung sướng nhất thời.
Chính những nội dung kích thích lòng tham, luôn muốn có nhiều hơn của con người đã tạo ra một cuộc sống thực dụng, bề nổi. Các nội dung vẽ vời ra những nỗi sợ hay hù doạ để khách hàng tìm tới sản phẩm, dịch vụ như một giải pháp thần kỳ đã biến thế giới này phụ thuộc vào những ảo giác. Hạnh phúc chớp nhoáng, tạm bợ, đầy rẫy những bất ổn về tinh thần là kết quả của nền kinh tế thị trường, của những nội dung tiếp thị rất “khôn ngoan” và ăm ắp “mưu toan”.
Sự sa hoa, màu mè mà người ta gọi là văn minh – hiện đại – thời thượng cũng khiến nhiều người lầm tưởng hạnh phúc là giàu sang vật chất, là hưởng thụ những thứ bên ngoài, là có nhiều hơn người khác. Định nghĩa về hạnh phúc kiểu này ăn sâu vào tiềm thức khiến con người nghĩ rằng họ chỉ thấy tốt hơn khi có nhiều hơn, tiêu sài nhiều hơn và rồi che mờ hạnh phúc vốn luôn có sẵn trong mình.
Những dạng tiếp thị nội dung không đặt lợi ích lâu dài cho cộng đồng, xã hội như vậy nếu có làm giàu cho doanh nghiệp cũng không phải là dạng nội dung đáng được tôn thờ!
Để khách hàng đổ xô mua hàng không khó, để cống hiến cho một doanh nghiệp tốt – lành mạnh và thực sự ý nghĩa trong phát triển nhận thức – tâm thức của loài người mới đáng để người sáng tạo nội dung phải trăn trở.
Do vậy, cần khai mở sứ mệnh của người theo “đạo” sáng tạo nội dung, cùng nhau làm rõ bản chất cuộc sống, hiểu rõ cốt lõi tiếp thị nội dung trước khi chia sẻ sâu vào kỹ thuật sáng tạo sao cho đúng và hay.
Chúng ta sẽ đem những gì tinh tuý nhất phụng sự lợi ích của chính mình, của doanh nghiệp và trên hết là lợi ích của toàn xã hội – cộng đồng nơi ta đang sống! Để không bao giờ phải ân hận với những “đứa con tinh thần” mà mình đã dày công “thai nghén” và “chăm bẵm”! Được không?